-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024: Viglacera giới thiệu hệ sinh thái Vật liệu xây dựng Xanh tại sự kiện
08/10/2024
Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 là sự kiện lớn và uy tín được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Theo Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ).
Tiếp nối thành công qua 03 năm sự kiện, Tuần lễ Công trình xanh năm 2024 (diễn ra ngày 3-4/10) tập trung thảo luận các chính sách mới trong lĩnh vực phát triển công trình xanh tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển công trình xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng cao với công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua đó, sẽ tập hợp ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công trình xanh trong nước và quốc tế để đề xuất các cơ chế, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng.
Tại sự kiện, Viglacera tham gia 2 phiên Tọa đàm, thảo luận cùng với Không gian trưng bày các sản phẩm mới, đóng góp vào Hệ sinh thái vật liệu xây dựng xanh của Viglacera nói riêng và cộng đồng xây dựng xanh nói chung.
Tại phiên tọa đàm thứ nhất, chuyên đề “Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh” do Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng chủ trì, Viglacera đã đem tới nội dung giới thiệu tới các chuyên gia những giải pháp vật liệu xanh vừa đa dạng về ứng dụng, vừa giúp thay thế khai thác tài nguyên thiên nhiên, lại giảm phát thải CO2 nhờ ứng dụng công nghệ sản xuất mới.
Tham luận của ông Mai Xuân Đức, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu tới các thông số tiết kiệm năng lượng cũng như khả năng ứng dụng đa dạng của các chủng loại VLXD mới do Viglacera sản xuất.
Ông Mai Xuân Đức đã giới thiệu tới sự kiện các sản phẩm đầu tiên mang dấu ấn xanh như Bê tông khí chưng áp (AAC/ ALC), Kính tiết kiệm năng lượng (LowE và Solar Control),Kính siêu trắng, Đá nung kết khổ lớn mang thương hiệu Vasta Stone giúp thay thế đá tự nhiên, thiết bị vệ sinh thông minh và sen vòi phủ theo công nghệ lắng đọng hơi vật lý PVD thân hiện môi trường.
Nhiều sản phẩm mới đã bổ sung vào Hệ sinh thái VLXD xanh của Viglacera
Các sản phẩm của Viglacera được các chuyên gia và lãnh đạo Bộ Xây dựng quan tâm
Tại Phiên thảo luận, điều phối bởi ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera chia sẻ: “Vật liệu không nung là đề án lớn của Chính phủ từ hơn 10 năm trước đây. Với việc hiện thực hóa Đề án đó, Viglacera trở thành doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam đưa công nghệ sản xuất Bê tông khí chưng áp, sử dụng công nghệ tiên tiến từ CHLB Đức. Cách đây 10 năm, đây là bài toán khó vì thị trường hầu như không biết cũng như không đón nhận các giải pháp ‘tưởng chừng khá tốn kém’ này. Viglacera đã vượt qua mọi trở ngại, kiên định con đường phát triển xanh. Bê tông khí chưng áp của Viglacera nay được ghi nhận mức tăng trưởng hơn 60% mỗi năm, đặc biệt tại kênh bán lẻ, chứng tỏ sự đón nhận của cộng đồng với sản phẩm đang rất tích cực”
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty cổ phần Bê tông khí Viglacera, tại phiên thảo luận
Trong hai ngày diễn ra sự kiện, với cả trăm tham luận đến từ các chuyên gia công trình xanh trong nước và quốc tế, tất cả khẳng định một nguyên tắc bất biến: Việc phát triển các công trình xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường đã và đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Và nói như ông Phạm Minh Hà - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Đây cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam để tham gia phát triển ngành VLXD xanh… Tuy nhiên để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ, và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của vật liệu xanh”.
Ông Lê Cao Chiến, Phó GĐ Trung tâm TB,MT & ATLĐ – Viện VLXD, chia sẻ công trình xây dựng có thể chiếm tới 34% năng lượng tiêu thụ cuối với lượng khí thải chiếm 37% lượng phát thải CO2 toàn cầu, là con số đáng báo động cho ngành xây dựng nói chung và nhu cầu bức thiết cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chuyển đổi xanh
Nói về thách thức phải đối diện, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ chia sẻ hiện nay ngành xây dựng với vật liệu xây dựng xanh vẫn là khái niệm tương đối mới, còn thiếu các tiêu chuẩn và quy định cụ thể, cũng như sự hạn chế về nguồn cung vật liệu xanh, sản phẩm mới trong nước. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu khá cao, là rào cản của cả các doanh nghiệp sản xuất và nhà đầu tư. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam lại đang diễn ra nhanh với mức tăng trung bình hàng năm trên 1%, kéo theo những áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải, tác động đến môi trường và gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Vì thế, để góp phần vào việc tăng trưởng xanh và xây dựng bền vững, thì sự đóng góp cốt lõi chính là sử dụng vật liệu xanh. Hay là những vật liệu được thiết kế để giảm thiểu tác động môi trường bao gồm việc sử dụng nguyên liệu tái tạo, giảm phát thải carbon, tiết kiệm năng lượng và nước, đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Tại Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024, Viglacera vinh dự nhận giải thưởng EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) cho thiết kế Resort Angsana Quan Lạn Hạ Long Bay. Giải thưởng này ghi nhận những dự án kiến trúc bền vững và hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên.
Đại diện Viglacera lên nhận chứng nhận EDGE cho công trình Angsana Quan Lạn Hạ Long Bay - dự án Resort 5 sao mới của Viglacera khai trương tháng 7 năm 2024
Giải thưởng EDGE Certified Green Advanced là một chứng nhận quốc tế uy tín, được cấp cho các công trình xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về thiết kế bền vững và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Để đạt được chứng nhận này, một dự án phải chứng minh rằng nó sử dụng ít nhất 20% năng lượng, nước và vật liệu hơn so với tiêu chuẩn xây dựng thông thường.
Chứng nhận EDGE không chỉ đánh giá về mặt thiết kế mà còn xem xét tính khả thi và hiệu suất của các giải pháp bền vững được áp dụng trong dự án. Điều này bao gồm việc sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, công nghệ hiện đại trong xây dựng và các giải pháp tiết kiệm nước.